Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

Phục hồi thành bẹn qua ngả tiền phúc mạc: cố định hay không cố định mảnh ghép

Trên trang web springerllink.com ngày 17 tháng 8 vừa qua đã công cố công trình nghiên cứu của Bác sĩ Chiah-Yang Chai ở Bệnh viện trường Đại học Y khoa Đài Bắc trước khi công trình này được xuất bản chính thức trên Tạp chí Ngoại khoa Thế giới (World Journal Of Surgery).

Công trình nghiên cứu của Bác sĩ Chiah-Yang Chai và cộng sự tập trung chủ yếu vào việc so sánh tỉ lệ tái phát của hai phương pháp cố định và không cố định mảnh ghép trong phẫu thuật phục hồi thành bẹn hoàn toàn qua ngã tiền phúc mạc qua nội soi (TEP-laparoscopic total extraperitoneal henia repair).




Theo quan điểm của đa số các bác sĩ ngoại tổng quát, việc cố định mảnh ghép trong phẫu thuật phục hồi thành bẹn hoàn toàn qua ngả tiền phúc mạc qua nội soi sẽ giảm thiểu tỉ lệ thoát vị bẹn tái phát sau mổ. Tuy nhiên, cố định mảnh ghép có thể dẫn đến một số các biến chứng, và đặc biệt là đau sau mổ.

Công trình nghiên cứu của Bác sĩ Chiah-Yang Chai dựa trên sự phân tích mẫu lớn (meta-analysis) của một số các thử nghiệm có kiểm soát ngẫu nhiên (randomized controled-trials-RCTs). Mục đích chính của công trình nghiên cứu này là so sánh tỉ lệ tái phát của hai phương pháp phẫu thuật. Mục đích phụ: so sánh thời gian phẫu thuật, số lượng thuốc mê đã sử dụng, chỉ số đau sau mổ, liều lượng thuốc giảm đau sử dụng trong thời gian hậu phẫu, biến chứng hậu phẫu, thời gian nằm viện, thời gian trở lại hoạt động lao động bình thường và tổng chi phí.

Có tổng cộng 6 thử nghiệm lâm sàng với 932 bệnh nhân và 1086 thoát vị (154 bệnh nhân có thoát vị hai bên, chú thích của tác giả). Việc cố định mảnh ghép được thực hiện ở 463 bệnh nhân (540 thoát vị) và không cố định: 469 bệnh nhân (546 thoát vị).

Kết quả: không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa hai phương pháp về tỉ lệ tái phát (OR = 2,01, 95%, CI : 0,37-11,02), biến chứng (OR = 0,73, 95% CI : 0,51-1,05), chỉ số đau [ngày 1 (p =0,19), ngày 7 (p = 0,18 và tháng 1 (p = 0,47)] và liều lượng thuốc giảm đau (WMD -1,2, 95%, CI : -3,08-0,68). Thời gian phẫu thuật (WMD -3,86, 95% CI : -7,45 đến -0,26) và thời gian nằm viện (WMD -0,34, 95%, CI : -0,5 đến -0,18) của nhóm cố định mảnh ghép cao hơn hẳn so với nhóm không cố định. Hơn nữa, chi phí của nhóm cố định mảnh ghép bằng máy bấm cũng cao hơn.

Nhóm tác giả của công trình nghiên cứu kết luận: việc không sử dụng kim bấm để cố định mảnh ghép làm giảm chi phí phẫu thuật, làm giảm đáng kể thời gian phẫu thuật và thời gian nằm viện nhưng không làm tăng tỉ lệ thoát vị tái phát, biến chứng cũng như đau sau mổ.

Tác giả cho rằng đây chỉ là kết quả bước đầu và khuyến cáo: cần có những thử nghiệm có cấu trúc tốt hơn, cân nhắc đến kiểu thoát vị, kỹ năng phẫu thuật và kinh nghiệm của phẫu thuật viên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét